Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Jiddu Krishnamurti


Sống như một người hiền
TTCT - Cuốn sách có lẽ không dành cho tất cả, cũng không hẳn đọc được mọi lúc mọi nơi, dẫu ý thức ý thích cầm giữ nó bên mình trong suốt những chặng hành trình là điều thường thấy, đối với những ai từng tiếp cận tư tưởng J. Krishnamurti.


Hãy thử tưởng tượng về chuyến đi một mình, đến nơi chân trời lạ. Hãy thử hình dung về một khoảnh khắc mà ta có thể giũ bỏ sạch sẽ mọi lấn cấn vướng bận. Lúc đó, một mình, giữa thiên nhiên, xin hãy mở cuốn sách của Krishnamurti ra.
"Bây giờ là mùa xuân, mặt đất thật tươi vui, từ thung lũng những ngọn núi vươn lên xanh mát và ngọn cao nhất mới sung sức làm sao trong dáng uy nghi bất biến! Những chú sóc bé con chạy hối hả trên đường, những ngọn lá lấp lánh trong ánh nắng… Dù không phải là lãng tử hay thi nhân, ta vẫn nẩy sinh được một tình yêu rộng lớn, một tâm từ trước cái đẹp tuyệt vời này"…Đó là những dòng nhật ký đề ngày Chủ nhật, 24 tháng tư năm 1983 của Krishnamurti. Nơi mà Krishnamurti nhận ra những dấu hiệu của mùa xuân và tụng ca những đường nét thiên nhiên đẹp đẽ ấy chính là vùng thung lũng Ojai (California, Mỹ), nơi ông sống những năm tháng cuối đời. Khi viết những dòng này, Krishnamurti đã 87 tuổi (ông mất năm 1986).
Gọi là nhật ký nhưng thực tế Krishnamurti không viết mà đọc vào một máy thu băng. Công việc đọc vào máy thu được thực hiện vào mỗi buổi sớm, trong một căn phòng yên tĩnh. Khi đọc, mọi sự vật và sự việc như một thước phim quay chậm hiện ra trước mắt Krishnamurti, và ông phổ vào đó tình cảm của mình. Một tình yêu thương cuộc đời nồng nàn hơn bao giờ hết.
Và, hơn bao giờ hết, Krishnamurti muốn truyền trao tư tưởng của mình lại cho mọi người một cách chân phương, sáng rõ, êm dịu nhất. Chẳng hạn Krishnamurti nói về thiền:
"Ngôn từ, câu chú, cách tự ru ngủ, những thứ thuốc ảo tưởng ấy không phải là thiền định. Thiền phải được diễn ra ngoài ý chí của ta. Thiền xuất hiện trong thanh vắng của ban đêm, khi đột nhiên ta thức dậy, trí óc đang nghỉ ngơi. Thiền phải xảy ra lặng lẽ như con rắn lẫn với bụi cỏ cao xanh rì trong ánh sáng mát rượi ban mai. Thiền phải trồi lên từ bề sâu của trí óc. Thiền không phải là thành tựu. Thiền không gồm những phương pháp, những hệ thống hay luyện tập. Thiền bắt đầu khi bạn ngưng so sánh và dứt bặt cái sự trở thành với không trở thành. Như con ong rù rì trong tùm lá, cũng thế là tiếng thì thào của thiền định" (Thứ sáu, 22 tháng 4 năm 1984).
Có thể cách nói về thiền của Krishnamurti sẽ khiến nhiều người tranh cãi. Nhưng Krishnamurti nói ra trải nghiệm của mình không nhằm tranh biện với ai. Và càng đọc Krishnamurti (không chỉ ở tập sách này) ta càng xác quyết được một điều: hãy cứ sống thật nhân từ, hãy cứ tận trung với cảm quan của mình thì ta sẽ trở nên đẹp đẽ. Sự đẹp đẽ này không so sánh như nghệ sĩ hay thiền sư, mà theo nghĩa một con người sống động nhất.
Cũng chính vì ý nghĩa "sống như một con người" mà Henry Miller, trong lời giới thiệu cho cuốn Tự do đầu tiên và cuối cùng của Krishnamurti (bản dịch Phạm Công Thiện, NXB An Tiêm 1968) đã viết: "Ông không bao giờ muốn chúng ta coi ông như là một bậc đạo sư, một bậc thầy, mà chỉ muốn là một con người, với tất cả ý nghĩa đơn giản thông thường của hiện thể".
Trở lại với ý niệm sống như một con người, trong Nhật ký cuối cùng, chúng ta thấy không ít lần Krishnamurti nói về sự tha hóa, tàn ác của con người. Con người đã không còn biết yêu thương nhau.
Và Krishnamurti cho rằng sở dĩ con người trở nên ác với nhau là bởi không biết yêu thiên nhiên: "Từ lúc khai thiên lập địa tới giờ, con người không ngừng tàn sát lẫn nhau. Nếu chúng ta có thể lập một tương quan mật thiết với thiên nhiên, với cây cối, với bụi bờ, với khóm hoa ngọn cỏ và với những áng mây, thì chúng ta sẽ chẳng còn muốn giết một ai vì bất cứ một lý do nào nữa" (Thứ sáu, 25 tháng 2 năm 1983).
Hãy cứ thật khoan thai, thoải mái mà đọc Nhật ký cuối cùng, cuốn sách cuối cùng của KrishnamurtiCó những trang sách được cấu trúc như một cuộc giải đáp của Krishnamurti với một nhân vật tưởng tượng. Nhưng, có lẽ nên đừng nghĩ lời giải đã là chân lý. Những cuộc trò chuyện đơn giản chỉ là khơi dậy ý thức và niềm yêu sống. Và sống là sống động như thiên nhiên hay sống như một người hiền.
VIỆT QUÊ
(Đọc Nhật ký cuối cùng của Krishnamurti; Thích Nữ Tuệ Dung dịch - Thích Nữ Trí Hải hiệu đính; Thiện Tri Thức & NXB Phương Đông ấn hành)
tunrua at 02/18/2012 09:27 pm comment
J.Krishnamurti, ông viết nhiều thật.  Mình mới chỉ đọc Đường vào hiện sinh, nhưng lúc đó mình không hiểu mấy!

1 nhận xét:

  1. Trên đường tìm đạo mục đích để tỉnh thức giác ngộ thì kinh sách, đạo sư… là những thiện tri thức không thể thiếu. Với lòng thành tâm muốn quý bạn cùng tiến trên đường Đạo, tôi xin được trân trọng giới thiệu trang web phapdonngo.com. Các bạn có thể vào Paltalk ( z Phap Don Ngo z ) để tiếp xúc trực tiếp với một người kiến tánh ( sư huynh Quang Liêm )

    Trả lờiXóa