Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Thương quá! Chữ "Tâm"


Năm nay tôi dạy thêm
TTCT - Hai bài báo của Tuổi Trẻ ra ngày chủ nhật 18-9 vô tình cùng nhắc đến một vấn đề lâu nay vẫn thu hút nhiều sự quan tâm của xã hội. Bài “Ai cũng đúng!” trên Tuổi Trẻ chủ nhật và “Câu hỏi của một bác sĩ” trên TTCT đều đề cập đến một nghịch lý lâu nay vẫn tồn tại ở Việt Nam.
         Hai ngành “mục tiêu trọng điểm”, “quốc sách hàng đầu” của Việt Nam là hai ngành được trả lương “bèo” nhất so với các ngành khác! Nếu vị bác sĩ trong bài viết “phải đối mặt với quá nhiều cám dỗ khi đồng lương chỉ bằng số tiền kiếm được của một bác xe ôm đắt khách” thì tôi, một giáo viên tốt nghiệp đại học ngoại ngữ, làm công tác giảng dạy gần mười năm, không khỏi xót xa khi nghe chị hàng xóm khoe thu nhập mỗi ngày bán vé số của chị lời gần gấp đôi ngày lương của mình.
Tôi dạy thêm đã được một tháng, vẫn chưa mất được cảm giác chơi vơi, lưng chừng, không chắc, cũng không biết lúc nào mình sẽ vượt qua lằn ranh tốt - xấu, lúc nào mình sẽ chỉ biết phân chia học sinh theo hai loại đi học thêm và không đi học thêm. Đối mặt với tiền, ngày càng ít người dám tự tin bảo rằng mình sẽ thắng.
        Tôi đã từng giống như vị bác sĩ đáng kính đó, từ khi ra trường nhận công tác ở một trường THCS lớn tại trung tâm thị xã, tôi luôn nỗ lực hết mình để giảng dạy trên lớp. Vào mỗi đầu năm học mới đều có rất nhiều học sinh đến gặp tôi xin học thêm tiếng Anh. Lần nào tôi cũng thuyết phục các em là trên lớp tôi đã giảng bài rất kỹ rồi nên không cần phải đi học thêm. Nếu em nào không hiểu có thể hỏi lại, tôi sẵn sàng chỉ bảo thêm.
          Với phụ huynh học sinh tôi cũng trả lời như vậy, nếu phụ huynh nào vẫn không yên tâm thì tôi giới thiệu cho họ một giáo viên khác cùng trường. Có lần một em học sinh kể với tôi rằng ngoài toán, lý, hóa, tiếng Anh... các em học thêm cả môn văn. Khi được hỏi sao học nhiều thế, em thật thà “tụi em học thêm chỉ để lấy lòng giáo viên bộ môn thôi cô ơi, chứ ngày nào được nghỉ một buổi học thêm là tụi em mừng lắm”.
Tôi có một anh bạn thời phổ thông, do không đi học thêm, bị cô giáo “đì” đến chán nản phải bỏ học. Đến tận bây giờ anh bạn đó vẫn còn nhắc đến cô giáo của mình mỗi khi họp lớp, như một kỷ niệm buồn thời học sinh mà không mấy ai muốn nhớ. Những điều đó càng củng cố thêm niềm tin của tôi, rằng lâu nay tôi đã làm đúng.
        Thế nhưng khi đã kết hôn và có một bé trai đầu lòng, tiền sữa, tiền quần áo, thuốc men và mọi thứ linh tinh cho con thôi cũng ngốn hết gần tháng lương của tôi. Còn lại mọi chi phí sinh hoạt cho gia đình bốn người (chúng tôi sống cùng ba mẹ chồng) trông chờ hết vào lương của chồng tôi. Mỗi khi nhà có chuyện đột xuất cần tiền là bộ nữ trang cưới của tôi lại vơi bớt một món.
      Đừng nói chi đến chuyện dành dụm để riêng, muốn tích cóp ít tiền cho con sau này đi học cũng khó. Mỗi khi muốn mua cho con món đồ chơi hay bộ quần áo mới thì bài toán trong tháng của tôi lại khó thêm chút nữa. Nhìn quanh những đồng nghiệp chung tổ của mình, người hai ba chiếc xe tay ga, người mời tân gia nhà mới, thu nhập từ việc dạy thêm mỗi tháng không dưới chục triệu đồng... khiến tôi không khỏi băn khoăn. Cũng như vị bác sĩ đó, tôi đang sống trong sạch hay đang hi sinh gia đình đây?
        Năm nay là năm đầu tiên trong gần chục năm dạy học của mình, tôi dạy thêm. Chị bạn thân của tôi lâu nay nói: “Lẽ ra bạn phải làm thế lâu rồi. Nói gì thì nói, lập gia đình rồi phải ráng dành dụm từ từ để lo cho con, trước đây độc thân thì sao cũng được”.
         Tôi dạy thêm đã được một tháng, vẫn chưa mất được cảm giác chơi vơi, lưng chừng, không chắc, cũng không biết lúc nào mình sẽ vượt qua lằn ranh tốt - xấu, lúc nào mình sẽ chỉ biết phân chia học sinh theo hai loại đi học thêm và không đi học thêm. Đối mặt với tiền, ngày càng ít người dám tự tin bảo rằng mình sẽ thắng. Chỉ dám hi vọng mình sẽ không bị học trò nhắc đến trong ngày họp lớp như một kỷ niệm thật buồn.
N.T.K.Q.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét