Mình quá ấn tượng với bài này, phải lưu lại.
Nhật Hoàng thăm doanh nghiệp của người Việt tại Nhật
Trần Ngọc Phúc, 40 phút và 40 năm
TTCT
- Trong cuộc chọn lựa suốt hai năm chuẩn bị cho chuyến thăm hằng năm
của Nhật hoàng Akihito đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có ba doanh
nghiệp được đưa vào “short list”. Sự chọn lựa cuối cùng thuộc về Metran,
doanh nghiệp sản xuất những thiết bị giúp thở chỉ có 35 nhân viên. Chủ
doanh nghiệp là một người gốc Việt.
Ông Trần Ngọc Phúc (bìa trái) trình bày về sản phẩm máy giúp thở nhân chuyến thăm của Nhật hoàng Akihito tới Metran - Ảnh: mạnh kha |
Để
chuẩn bị cho chuyến thăm diễn ra hôm 5-7 vừa qua, trước đó cả tháng các
toán nhân viên an ninh hoàng gia và những thị thần cung đình đã lên sơ
đồ lộ trình di chuyển của nhà vua đến từng chi tiết, thị sát toàn bộ
doanh nghiệp, thậm chí cả tách trà mà Metran chuẩn bị riêng cho nhà vua.
Tất cả nhân viên đều được yêu cầu làm việc bình thường, không tự động
đến gần đức vua và chỉ trả lời những gì vua hỏi chứ không đặt câu hỏi
lại.
Chuyện kể của người tháp tùng Nhật hoàng
Vào
ngày nhà vua đến, nhân viên an ninh ngồi vào ghế tổng đài điện thoại
của công ty lịch sự cắt tất cả cuộc gọi đến và đi. Lời căn dặn sau cùng
là: tất cả đều tập trung vào nhà vua, ngay cả ông bộ trưởng công nghiệp
Nhật đến trước để chào đón vua cũng phải chờ và cũng không cần rót trà
cho ông ấy. Người duy nhất được phép đón và đi gần nhà vua suốt cuộc
thăm viếng là người sáng lập doanh nghiệp Metran, ông Trần Ngọc Phúc.
Tường
thuật chuyến thăm của Nhật hoàng, ông Phúc kể: “Sau khi nghe giải thích
về công nghệ và các ưu việt của thiết bị giúp thở của Metran, vua gật
đầu ngợi khen nói: nhiều người sẽ được cứu, phục vụ được quốc dân. Dù là
thiết bị dành riêng để cứu trẻ em sinh non, nhưng nhà vua cũng rất quan
tâm đến việc máy giúp thở có thể áp dụng cho những người lớn tuổi bị
hội chứng ARDS (hội chứng suy giảm hô hấp cấp), máy lại bảo vệ được phổi
của người thở vì dùng phương pháp thở bảo tồn (Protective Ventilation),
Ngài nghĩ có thể dùng làm quà tặng đặc biệt cho các hoàng tộc khác trên
thế giới. Sau đó, Ngài có cuộc tiếp kiến riêng thân mật với các nhân
viên cấp dưới.
Một
nhân viên người Nhật sinh trưởng tại Canada, với phong thái khá Tây đã
phá vỡ luật định khi chủ động nói với vua rằng tuần sau vợ anh sinh
con, anh thấy nước Nhật an toàn hơn khi trẻ sơ sinh có các thiết bị giúp
thở của Metran. Vua không phật ý mà còn thân mật chúc mừng anh và cháu
bé sắp ra đời. Lúc đó, một thị thần vào thông báo đã hết giờ, nhưng
thiên hoàng bỏ qua và tiếp tục cuộc trò chuyện thân mật với các nhân
viên và thần dân của mình!”.
Cuộc
viếng thăm của Nhật hoàng đến một doanh nghiệp Việt kiều đã được truyền
thông Nhật đăng tải liên tục suốt tháng 7 qua. Đầu tháng 8 này, truyền
hình Nhật Bản sẽ cùng ông Phúc về Việt Nam thực hiện một phim tài liệu
về hành trình cuộc đời ông. Nhưng để có được cuộc tháp tùng 40 phút bên
cạnh thiên hoàng, ông Trần Ngọc Phúc đã trải qua 40 năm kiên trì hội
nhập vào đời sống, tình cảm, công nghệ của nước Nhật, tính từ năm 1968
khi anh sinh viên trẻ trung Trần Ngọc Phúc rời quê hương du học ngành
hóa công nghiệp tại Đại học Tokai.
Tinh thần “nhất nghệ tinh”
Kỳ
lạ thay, điều đầu tiên ông học được từ phong cách Nhật không hẳn là cái
gì quá cao xa, ông tâm sự: “Nó có gì đó giống với tinh thần “Nhất nghệ
tinh, nhất thân vinh” của ta. Làm nghề gì thì làm cho thuần thục, đạt
đến độ tinh xảo nhất, không hời hợt, không qua loa, không thay đổi xoành
xoạch. Có một nhà báo phương Tây bảo rằng người Nhật hitech trong cả
cách cắm một bông hoa, gấp một con hạc, làm một miếng sushi… “Công nghệ
cao, hitech” có thể hiểu theo tinh thần “làm việc tinh xảo” đó nữa, chứ
không chỉ là kỹ thuật cao”.
Ông
Phúc dường như học rất kỹ điều này nên sau khi tốt nghiệp đại học năm
1974, mất thêm 10 năm đi thực tập nghiên cứu rồi làm việc tại các công
ty, ngay khi có đủ điều kiện, từ năm 1984 ông đã bỏ ra gần 30 năm để chỉ
làm một việc cho thật tinh xảo: đó là chế tạo các máy giúp thở để cứu
người.
Đầu
tiên là cứu các trẻ em sinh non, đặc biệt là “siêu sinh non” (tức trọng
lượng khi sinh dưới 1.000 gam). Nguyên tắc của hô hấp hoạt động như
sau: khi ta hít để lấy không khí vào phổi thì các bắp thịt ở ngực kéo
phổi nở ra, bên trong phổi là áp lực âm để khí tràn vào. Nếu bệnh nhân
bị bệnh polio gây liệt cơ hay chấn thương não nên không thể điều khiển
để cơ kéo giãn phổi thì phổi không nở ra để hút không khí vào được. Lúc
đó, người ta dùng máy thở thông thường, dùng áp lực bên ngoài (áp lực
dương) để bơm không khí vào phổi.
Nhưng
phương pháp này lại gây tác hại lớn đối với trẻ sơ sinh sinh non vì
phổi của trẻ chưa hoàn thiện, chưa nở ra, khi dùng áp lực bên ngoài đẩy
vào, không khí không vào được các phế nang của phổi mà lại làm khí quản
phình ra gây nguy hại đến tính mạng. Trong trường hợp này, nhiều lúc
người ta không tăng áp lực bơm mà tăng lượng oxy đưa vào, nhưng nếu
lượng oxy vượt quá 40% sẽ gây mù cho cháu bé. Để cứu trẻ, nhiều lúc
người ta phải chọn giải pháp cứu sống nhưng bị mù lòa.
Để
giải quyết vấn đề này, ông Phúc đã dùng 30 năm làm việc của mình để
sáng tạo và hoàn thiện thiết bị giúp thở mới, gọi là máy thở rung cao
tần HFO (High Frequency Oscillatory Ventilation). Nguyên tắc của máy
không phải là bơm không khí vào mà là rung từ từ cho oxy thấm và tan nhẹ
vào buồng phổi yếu ớt của cháu bé. Trong một phút thay vì bơm thở theo
nhịp 15-20 lần thì máy thở HFO rung nhẹ 900-1.500 lần để đưa rất êm ái
không khí thấm dần vào các phế nang của phổi.
Nhật hoàng Akihito tới trụ sở doanh nghiệp Metran - Ảnh: mạnh kha |
Thử nghiệm cho các đại dịch
Kết
quả thống kê tại Nhật cho thấy theo đà hoàn thiện của máy giúp thở HFO,
tỉ lệ tử vong của trẻ sinh non tại Nhật giảm dần trong hơn một thập
niên qua. Đối với trẻ sinh non cân nặng 900 gam, số tử vong năm 1990 là
150 cháu thì đến năm 2005 chỉ còn dưới 50 cháu. Đối với trẻ nặng 600 gam
thì tử suất năm 1990 là 400 cháu và năm 2005 chỉ còn 200 cháu. Đặc biệt
đối với trẻ nhẹ hơn 400 gam thì tử vong từ 1.000 cháu năm 1990 chỉ còn
dưới 500 cháu vào năm 2005.
Với
những con số như thế, dễ hiểu tại sao thiết bị này hiện được trang bị
tại 90% các trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh toàn nước Nhật với hơn 1.400
máy đang vận hành. Ngoài ra có hơn 200 máy đã được xuất khẩu đến 12 quốc
gia trên thế giới.
Dù
mục đích xuất phát là hỗ trợ trẻ sơ sinh, nhưng thiết bị dần được hoàn
thiện và hứa hẹn nhiều tiềm năng mới. Hiện nay, Đại học Oxford của Anh
đang tiến hành thử nghiệm thiết bị của Metran cho 800 bệnh nhân mắc hội
chứng ARDS. Chương trình đã bắt đầu và dự kiến sau hai năm theo dõi,
Oxford sẽ công bố kết quả. Nếu thành công, phương pháp sẽ được công nhận
rộng rãi toàn cầu. Ngoài ra, trong một số hướng nghiên cứu mới, máy thở
có thể xem xét áp dụng trong trường hợp có các đại dịch như cúm gia
cầm, mà tác hại lớn là sưng phổi, làm buồng phổi dễ bị tổn thương, nên
phương pháp thở bằng HFO sẽ rất tốt trong trường hợp này.
Có
một số lượng lớn du học sinh Việt Nam đến học tập tại Nhật Bản hồi giữa
thập niên 1960. Sức hút của xứ sở này đối với các chàng trai cô gái tâm
huyết thuở ấy có thể xuất phát từ truyền thống Đông Du thời cụ Phan Bội
Châu đầu thế kỷ 20, có thể do một nền công nghệ kỹ thuật hàng đầu và sự
hồi sinh kỳ diệu của đất nước này sau thảm bại 1945, cũng có thể do
những lôi cuốn và tương đồng về văn hóa… Riêng ông Phúc thì câu trả lời
cũng giản dị: việc chọn lựa nước Nhật là do các quan hệ gia đình ở Huế,
vốn là gia đình phật tử nên các thầy giới thiệu về nước Nhật riết rồi
thấy quen thuộc.
Ông
nói thêm: “Đi học ở Nhật khó hơn các nước phương Tây vì vấn đề ngôn
ngữ, nhưng học ở Nhật ta tìm thấy cái tinh thần gầy dựng một quốc gia,
vượt qua các tai biến để vươn lên, rất gần với Việt Nam”.
Bốn
thập niên đã trôi, xuyên qua hai thế kỷ với biết bao thay đổi trong
nhận thức của con người, của thời thế vẫn không làm phôi pha cái chất lý
tưởng trong những điều rất giản dị mà ông Phúc nói ra hay làm được. Đó
là sự giản dị không đơn giản, vô cùng tinh tế và hệ trọng như hơi thở
mỏng manh từ buồng phổi của một sinh linh chỉ cân nặng 500 gam đang tha
thiết được sống lành lặn và trọn vẹn. Có lẽ cũng vì sự tinh tế đó mà
Nhật hoàng mới cất công ghé thăm một doanh nghiệp chỉ có 35 nhân viên và
chỉ sản xuất một loại sản phẩm duy nhất này.
Hỏi
cảm giác của ông Phúc về vinh dự được trò chuyện gần 40 phút với Nhật
hoàng, ông nhẹ nhàng cười: “Ở Nhật, vua là thượng đế, người ta gọi vua
là thiên hoàng mà! Còn tôi, tôi đặc biệt ấn tượng bởi một nhân vật cao
trọng như thế, rất thông thái, bác học trong nhiều lĩnh vực, nhưng phong
thái rất giản dị và tao nhã”.
LƯU VĨ LÂN
__________
Góp phần cứu sống nhiều trẻ sinh cực non ở Việt Nam
Trao
đổi với TTCT, PGS.TS.BS Ngô Minh Xuân - trưởng khoa sơ sinh Bệnh viện
phụ sản Từ Dũ, chủ tịch Hội Chu sinh sơ sinh TP.HCM - cho biết ông và
nhiều bác sĩ của khoa hồi sức sơ sinh đã biết đến ông Trần Ngọc Phúc và
Công ty Metran từ rất lâu.
Máy giúp thở cao tần số hỗ trợ hô hấp cho trẻ sinh non tại khoa hồi sức trẻ sơ sinh Bệnh viện phụ sản Từ Dũ (TP.HCM) (ảnh chụp sáng 30-7) - Ảnh: Việt Hà |
Bệnh
viện phụ sản Từ Dũ đã sử dụng máy giúp thở Metran cách đây hàng chục
năm. Cụ thể, tại bệnh viện đang sử dụng hai loại máy giúp thở Metran.
Một loại là máy thở cao tần số và loại mới hơn là máy thở cao tần
HFO/CMV. Máy giúp thở Metran không chỉ rất hiệu quả trong điều trị cho
bệnh nhi mà giá thành còn hợp lý, gần như thấp nhất trong các loại máy
giúp thở. Hiện giá một máy khoảng 400 triệu đồng, trong khi máy của
những hãng khác cùng loại khoảng 500-600 triệu đồng. Riêng máy giúp thở
HFO giá khoảng 800 triệu đồng.
PGS
Xuân khẳng định: “Chỉ nói riêng về máy thở cao tần số thôi đã thấy rất
hiệu quả và phù hợp với bệnh nhi. Máy có cả mode thở cho trẻ sơ sinh và
người lớn. Dễ dàng cài đặt thông số, mỗi mode thở được điều chỉnh bằng
các nút riêng biệt. Vì vậy tùy theo bệnh nhân là người lớn, trẻ em hay
trẻ sơ sinh mà bác sĩ sẽ cài chế độ thở máy phù hợp theo sự kiểm soát
của phần mềm riêng, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Ngoài ra, máy được
thiết kế điều khiển bằng màn hình cảm ứng nên sử dụng rất đơn giản, chỉ
cần dùng ngón tay điều khiển trên màn hình nên bác sĩ rất an tâm và
thích sử dụng”.
Từ
khi bệnh viện được trang bị, máy giúp thở cao tần số này đã cứu sống
được rất nhiều bé sơ sinh non tháng và cực non (cân nặng chỉ 600-650g).
Đây là những bé mới được mẹ mang thai 23 tuần 3 ngày, tương đương với 5
tháng rưỡi nên việc cứu sống được những bé này là điều rất quý. Chỉ
riêng năm 2011 bệnh viện đã cứu sống được 120 bé sinh non có cân nặng
dưới 1kg trở xuống. Đa số các bé sau khi được cứu sống đều có sức khỏe
bình thường, có những bé phát triển rất tốt. Nhờ đó mà theo PGS Xuân,
hiện nay không chỉ Bệnh viện phụ sản Từ Dũ mà nhiều bệnh viện tại Việt
Nam đang sử dụng máy giúp thở Metran.
Một
điều đáng quý khác, theo PGS Xuân, còn là tấm lòng của ông Phúc với quê
nhà. Ông và các nhân viên Metran thường hỗ trợ hết mình cho các bác sĩ
khoa sơ sinh của bệnh viện trong thời gian học tập ở Nhật Bản. Khi các
bác sĩ gặp khó khăn trong việc đi lại hay quan hệ làm việc, ông Phúc sẵn
sàng giúp đỡ, liên hệ giáo sư, bác sĩ ở Nhật Bản giúp các bác sĩ Việt
thuận lợi hơn trong việc học tập, công tác.
Cơ
duyên trở về Việt Nam của ông Trần Ngọc Phúc bắt đầu không lâu sau khi
ông thành lập Metran vào năm 1984. Ông kể lúc đó đang cùng Bệnh viện Nhi
trung ương quốc gia Nhật Bản nghiên cứu về máy móc thiết bị y tế, ông
đã được Bệnh viện Nisseki Hiro liên lạc với Bệnh viện Nhi trung ương
quốc gia Nhật Bản về ca mổ tách rời hai cháu Việt - Đức. Vì biết ông
Phúc là người Việt Nam nên Bệnh viện Nhi trung ương quốc gia Nhật Bản đề
nghị ông tham gia việc này.
Do
về sau các chuyên gia đã quyết định việc mổ tách rời hai cháu không
diễn ra ở Nhật Bản mà ở Việt Nam nên ông không có cơ hội trực tiếp tham
gia, nhưng đây là cơ duyên đưa ông trở lại Việt Nam. Sau đó, ông Phúc
tham gia giảng dạy, làm việc ở Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Thống
Nhất và nhiều cơ sở y tế khác.
Ông
Phúc cho biết Metran đã lập chi nhánh tại Việt Nam và đang từng bước
chuyển dần các công việc chế tạo và sản xuất về Việt Nam với mục tiêu
“chất lượng Việt Nam cao hơn Nhật Bản”.
|
LÊ THANH HÀ ghi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét