Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

Hoa cải


Những cành hoa cải rung rinh trong nắng ngoài vườn.
Màu hoa thật nhẹ nhàng, dễ chịu
Chợt nhớ bài hát “Mùa hoa cải”
          “Có một mùa hoa cải
          Nở vàng bên bến sông
                   ...................”


Nhưng thôi, hông mơ màng, lãng mạn, mình nói chuyện “thực”, chuyện món “Bông cải xào”! Hi hi

Lần đầu tiên mình thấy người ta bán bông cải là ở chợ Cây Quéo, lúc đó lẩm bẩm: “cái này ở quê người ta ngắt bỏ hết, ở đây lại đem ra chợ bán!”. Nhưng trưa hôm ấy, mình đã bị chị chinh phục một cách ngoạn mục  bằng món bông cải xào!

Cây cải lên ngồng, cắt cái phần thân mập mạp trổ hoa ấy, tước sơ lớp vỏ cứng bên ngoài, xào lên, nêm gia vị, đảo nhanh tay cho ngồng cải vừa chín tới, cho ra dĩa, rắc tiêu thơm thơm, thêm vào đó vài lát ớt. Thưởng thức với cơm nóng.

Ôi, ngon tuyệt vời!

Cái vị hăng nồng của cải xộc lên mũi, thông thoáng cả đầu óc!
Bao nhiêu tinh túy của cây cải dồn hết lên đó mà!
Ăn một lần rồi nhớ đến thiên thu!


Cô nhỏ at 09/12/2012 11:26 pm comment
Tưởng tượng thấy ngon rồi. Thanh nữa. [img]1[/img]
tunrua at 09/13/2012 10:48 am reply
[img]3[/img]
Lãn Ông at 02/27/2012 08:18 am comment
"Ăn một lần rồi nhớ đến thiên thu!"  Vậy thì, hổng dám ăn đâu, nặng đầu lắm. 
tunrua at 02/27/2012 09:25 am reply
hic, nặng bụng mới sợ chứ!
lequangduc69 at 02/26/2012 02:48 pm comment
Mình có một tay đồng nghiệp rất thích ăn rau, trong tất cả các lòai rau, hắn thích nhất  ... đùi gà. Mình cũng là một người yêu hoa, trong tất cả các lòai hoa, mình thích nhất là bông bí (xào tỏi). Chắc là phải nghe lời bạn, thử thưởng thức lọai hoa mới xem sao.
tunrua at 02/26/2012 07:40 pm reply
Hi hi,  anh hóm hỉnh ghê! Đang mùa hoa cải nè, nhưng SG hiếm có chợ bán bông cải lắm. "Người yêu hoa" thử tìm đi, nhưng nhớ đừng xào  tỏi mà xào với thịt bò nha!

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

Sún

Tuần rồi, là một cái bé xíu ở hàm dưới.
Tuần này, bé cháu đón mình  từ ngoài cổng: "Con rớt 2 cái răng nữa rồi", nó cười toe toét!
Trời ạ, hàng tiền đạo đi hết trơn!
Hổng nhớ hồi lớp 2 bị sún ,mình có mừng như rứa hông ta!

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Chổng mông trông người!


 Chú chạy qua nhà, tặng anh em mình tập thơ của nhà thơ Hoàng Lộc, mình táy máy đọc, thấy bài ni dzui dzui:
Chổng mông trông người

quần thủng đít ngó trời, trán vùi xuống gối
mẹ phá lên cười thấy anh nằm chổng mông
bảo: chỉ mình mi mẹ nuôi còn chưa nổi
em út làm gì-đừng con, đừng trông!

con một, nhà nghèo-anh quá cô đơn
quá lắm thứ cần tới người chia sẻ
cứ nằm chổng mông từng khi vắng mẹ
nhưng chổng kiểu nào, mẹ cũng chẳng sinh thêm

mẹ nuôi một anh ra ngày lớn khôn
kể mấy mươi năm thôi nằm kiểu ấy
nghi hoặc người xưa nói lời xằng bậy
chớ thế nằm nào là thế- trông - em?

ba bảy mối tình lầm lỡ qua nhanh
để buổi em về chín mùa thơm thảo
bỗng hóa trẻ thơ- ngu ngơ, khờ khạo
anh lại ưa nằm thế nằm chổng mông

như phép mầu- rất kì diệu linh thiêng
hễ anh vừa chổng mông, là em vừa ghé
anh muốn nói một điều riêng với mẹ:
con chổng mông nằm để trông tình!

dễ buồn cười không? (em cười anh?)
anh vẫn chùm hum mỗi khi nhớ quíu
khổ gã đàn ông đã ngoài năm mươi tuổi
mặt úp, lòng xanh, mông chổng- trông người!

Cô nhỏ at 09/12/2012 11:33 pm comment
[img]1[/img] Bài thơ dễ thương quá!
tunrua at 09/13/2012 10:50 am reply
Uhm, dễ thương nhất là "chùm hum mỗi khi nhớ quíu" CN hỉ! Hi hi[img]3[/img]
Lãn Ông at 02/26/2012 09:40 am comment
Ngửa mặt nhìn trời Hận đời vô đối! Úp mặt xuống gối Vô đối thật sao? Chổng mông lên cao Vì sao vô đối? Đi vào bóng tối Vô đối là ta.
tunrua at 02/26/2012 10:13 am reply
Đang đi trên đường Bỗng thấy bất thường Úp mặt vào tường Lại thấy...bình thường!

Jiddu Krishnamurti


Sống như một người hiền
TTCT - Cuốn sách có lẽ không dành cho tất cả, cũng không hẳn đọc được mọi lúc mọi nơi, dẫu ý thức ý thích cầm giữ nó bên mình trong suốt những chặng hành trình là điều thường thấy, đối với những ai từng tiếp cận tư tưởng J. Krishnamurti.


Hãy thử tưởng tượng về chuyến đi một mình, đến nơi chân trời lạ. Hãy thử hình dung về một khoảnh khắc mà ta có thể giũ bỏ sạch sẽ mọi lấn cấn vướng bận. Lúc đó, một mình, giữa thiên nhiên, xin hãy mở cuốn sách của Krishnamurti ra.
"Bây giờ là mùa xuân, mặt đất thật tươi vui, từ thung lũng những ngọn núi vươn lên xanh mát và ngọn cao nhất mới sung sức làm sao trong dáng uy nghi bất biến! Những chú sóc bé con chạy hối hả trên đường, những ngọn lá lấp lánh trong ánh nắng… Dù không phải là lãng tử hay thi nhân, ta vẫn nẩy sinh được một tình yêu rộng lớn, một tâm từ trước cái đẹp tuyệt vời này"…Đó là những dòng nhật ký đề ngày Chủ nhật, 24 tháng tư năm 1983 của Krishnamurti. Nơi mà Krishnamurti nhận ra những dấu hiệu của mùa xuân và tụng ca những đường nét thiên nhiên đẹp đẽ ấy chính là vùng thung lũng Ojai (California, Mỹ), nơi ông sống những năm tháng cuối đời. Khi viết những dòng này, Krishnamurti đã 87 tuổi (ông mất năm 1986).
Gọi là nhật ký nhưng thực tế Krishnamurti không viết mà đọc vào một máy thu băng. Công việc đọc vào máy thu được thực hiện vào mỗi buổi sớm, trong một căn phòng yên tĩnh. Khi đọc, mọi sự vật và sự việc như một thước phim quay chậm hiện ra trước mắt Krishnamurti, và ông phổ vào đó tình cảm của mình. Một tình yêu thương cuộc đời nồng nàn hơn bao giờ hết.
Và, hơn bao giờ hết, Krishnamurti muốn truyền trao tư tưởng của mình lại cho mọi người một cách chân phương, sáng rõ, êm dịu nhất. Chẳng hạn Krishnamurti nói về thiền:
"Ngôn từ, câu chú, cách tự ru ngủ, những thứ thuốc ảo tưởng ấy không phải là thiền định. Thiền phải được diễn ra ngoài ý chí của ta. Thiền xuất hiện trong thanh vắng của ban đêm, khi đột nhiên ta thức dậy, trí óc đang nghỉ ngơi. Thiền phải xảy ra lặng lẽ như con rắn lẫn với bụi cỏ cao xanh rì trong ánh sáng mát rượi ban mai. Thiền phải trồi lên từ bề sâu của trí óc. Thiền không phải là thành tựu. Thiền không gồm những phương pháp, những hệ thống hay luyện tập. Thiền bắt đầu khi bạn ngưng so sánh và dứt bặt cái sự trở thành với không trở thành. Như con ong rù rì trong tùm lá, cũng thế là tiếng thì thào của thiền định" (Thứ sáu, 22 tháng 4 năm 1984).
Có thể cách nói về thiền của Krishnamurti sẽ khiến nhiều người tranh cãi. Nhưng Krishnamurti nói ra trải nghiệm của mình không nhằm tranh biện với ai. Và càng đọc Krishnamurti (không chỉ ở tập sách này) ta càng xác quyết được một điều: hãy cứ sống thật nhân từ, hãy cứ tận trung với cảm quan của mình thì ta sẽ trở nên đẹp đẽ. Sự đẹp đẽ này không so sánh như nghệ sĩ hay thiền sư, mà theo nghĩa một con người sống động nhất.
Cũng chính vì ý nghĩa "sống như một con người" mà Henry Miller, trong lời giới thiệu cho cuốn Tự do đầu tiên và cuối cùng của Krishnamurti (bản dịch Phạm Công Thiện, NXB An Tiêm 1968) đã viết: "Ông không bao giờ muốn chúng ta coi ông như là một bậc đạo sư, một bậc thầy, mà chỉ muốn là một con người, với tất cả ý nghĩa đơn giản thông thường của hiện thể".
Trở lại với ý niệm sống như một con người, trong Nhật ký cuối cùng, chúng ta thấy không ít lần Krishnamurti nói về sự tha hóa, tàn ác của con người. Con người đã không còn biết yêu thương nhau.
Và Krishnamurti cho rằng sở dĩ con người trở nên ác với nhau là bởi không biết yêu thiên nhiên: "Từ lúc khai thiên lập địa tới giờ, con người không ngừng tàn sát lẫn nhau. Nếu chúng ta có thể lập một tương quan mật thiết với thiên nhiên, với cây cối, với bụi bờ, với khóm hoa ngọn cỏ và với những áng mây, thì chúng ta sẽ chẳng còn muốn giết một ai vì bất cứ một lý do nào nữa" (Thứ sáu, 25 tháng 2 năm 1983).
Hãy cứ thật khoan thai, thoải mái mà đọc Nhật ký cuối cùng, cuốn sách cuối cùng của KrishnamurtiCó những trang sách được cấu trúc như một cuộc giải đáp của Krishnamurti với một nhân vật tưởng tượng. Nhưng, có lẽ nên đừng nghĩ lời giải đã là chân lý. Những cuộc trò chuyện đơn giản chỉ là khơi dậy ý thức và niềm yêu sống. Và sống là sống động như thiên nhiên hay sống như một người hiền.
VIỆT QUÊ
(Đọc Nhật ký cuối cùng của Krishnamurti; Thích Nữ Tuệ Dung dịch - Thích Nữ Trí Hải hiệu đính; Thiện Tri Thức & NXB Phương Đông ấn hành)
tunrua at 02/18/2012 09:27 pm comment
J.Krishnamurti, ông viết nhiều thật.  Mình mới chỉ đọc Đường vào hiện sinh, nhưng lúc đó mình không hiểu mấy!

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

Cô!


 Trưa nay, anh nhắn tin: Cô mất rồi!
Cô là con bà nội dì.
Cô không có gia đình, ở miết với bà từ nhỏ đến giờ cùng với một cô cháu gái cũng không có gia đình.
Hình ảnh hai con người ấy, mình không thể diễn tả được, chỉ biết mỗi lần nghĩ đến, mình cứ thấy rưng rưng! 
Vậy là hết rồi cái bóng dáng nhỏ gầy của Cô bên những giồng rau húng, rau răm. suốt đời cặm cụi trong khu vườn đẹp như cổ tích của bà. Giờ chỉ còn cô cháu gái, lẻ loi, một mình!
Những lần về nhà thỉnh thoàng ghé thăm Cô, mới thăm Cô hôm qua thôi mà! Trời thương những người cô độc, Cô phát bịnh thật nhanh, và đi thật nhẹ nhàng.
Cô hiền như đất, nhớ hoài cái lần Cô vào chữa bịnh nhà anh, mình chở Cô đi một vòng quanh SàiGòn, tối đó về hai Cô cháu nằm bên nhau, chọc Cô, cô cười dị dị! (những người chưa có gia đình, già rồi họ vẫn còn cái mắc cỡ thật duyên!)
Ngày kia, bà con, làng xóm sẽ đưa Cô đi, ngang nhà mình, con đường hàng ngày Cô vẫn đi về quê ngoại. Nhưng sẽ là lần cuối cùng, Cô ạ!
Cuối tuần này con sẽ về, con lại lên thăm Cô.
Chúc Cô một giấc ngủ dài, thanh thản!
Cá Gỗ at 02/21/2012 01:49 pm comment
Entry này của bạn cũng làm mình hồi tưởng lại cô ruột mình, cũng hoàn cảnh như vậy.
tunrua at 02/21/2012 02:11 pm reply
Cám ơn bạn đã đồng cảm! Cô thân với gia đình mình lắm.

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

Mùa cổ điển


Lang thang lại gặp ngay cuốn này, đem vào đây để nhớ về cái ngày nó cùng nhiều bạn khác trong nhà mình chung số phận!


Tựa sách: Mùa cổ điển (thơ)
Tác giả: Quách Tấn




amgauta at 02/25/2012 12:31 am comment
Thơ cụ Tấn mình có cuốn Đọng bóng chiều. Thơ cụ có vị cổ điển, đọc hoài cổ!
tunrua at 02/25/2012 08:08 am reply
Thược dược gió bay màu túy vũ Hải đường sương tỉnh giấc xuân tiêu Con oanh năm ngoái không về nữa Sắc liễu xanh xao tiếng địch chiều (Xuân Quạnh) Cám ơn bạn ghé thăm!

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

Rượu khuya!

Tối nay đi trực về, ngang một ngã ba, thoáng thấy một người ngồi uống một mình. Trời ạ,  đời sao buồn quá vậy!
Chạnh nhớ bài Rượu khuya của anh.
Không dám đọc 4 câu đầu, bởi hình trong thơ quá thật, cảnh ngoài đời quá thơ!
Chỉ dám nhớ đoạn giữa:
..........................
Ly này, ta uống cho ta
Ly kia mời hết quan hà chạm môi
Uống cùng muôn nỗi pha phôi
Uống cho cạn đáy đơn côi chập chùng...
Hỡi ôi! Trời đất vô cùng.
..................
Hông biết người kia có tâm trạng chi không????????

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Nhà thương!

Vài lần đọc đâu đó người ta phân tích chữ "Nhà thương"
Bây giờ đâu còn Nhà thương!Bệnh viện.
Nhiều lần vào bệnh viện, hầu như tháng nào cũng có! nhưng là đi thăm này nọ tí chút rồi về. Lần này thì ở hẳn để trực cô bạn bị bịnh, mình mới có cơ hội nhìn ngắm, suy gẫm!
Vì là buồng bệnh nặng nên xung quanh, hằn sâu trên những gương mặt là sự đau đớn của bịnh nhân, là sự lo lắng của người nhà. Những cơn đau hành hạ người bịnh, họ la hét, vật vã, 2 giờ sáng, một linh hồn vĩnh viễn ra đi.... rồi những ca bịnh khác đẩy vào, đêm nào cũng vậy. Ngồi suốt đêm chứng kiến bao nhiêu hoàn cảnh, bao căn bịnh... mình thấy đúng là: mọi bon chen  của cuộc sống ngoài kia chẳng để làm gì!!!!! 
Ah, mình đang định nói 2 từ  "Nhà thương"!
Mình không dám nói nhiều về cách chăm sóc bịnh nhân của các y bác sĩ, phải chăng hàng ngày cứ phải tiếp xúc trong môi trường như vậy nên cảm xúc cũng dần mất đi???
Mình còn nhớ hoài ánh nhìn thật ấm áp, hiền từ của ông Nha sĩ già nhổ răng cho mình hồi nhỏ. Sao mấy ngày ở đây mình hông tìm thấy được cái hình ảnh ấy, cái ánh nhìn ấy ???
Mình nghĩ, mỗi người sinh ra đều có 1 tính cách nhưng khi đã chọn cho mình 1 cái nghề, thì cũng nên biết tiết chế tính cách riêng của mình để phù hợp với công việc mà mình đang làm.
 Một lần lang thang  đọc trên Việt Báo, mình copy  đoạn này, bây giờ đem dán vô đây:
.......Thế nhưng có hai từ mà tôi cứ vương vấn mãi là từ nhà thương. Ngày trước tôi cho rằng nhà thương là để chữa người bị thương, bị đau ốm. Nhưng câu chuyện của một người bạn kể cho tôi nghe thì không phải vậy. Anh tên là N.Q.T.T.. Năm 1971 anh bị gãy chân rất nặng phải nằm nhà thương một tháng.
Từ khi vào đến khi ra, xung quanh cậu nhóc 13 tuổi luôn dịu mát những nụ cười từ những tà áo trắng sạch sẽ, dịu dàng. Những lời thăm hỏi động viên sao thường xuyên đến thế. Không phải nộp bất cứ một khoản lệ phí hay quà cáp nào, kể cả tiền ăn. Đến lúc khỏi bệnh, Nhà thương cho xe chở về tận nhà. Ba mẹ của chú nhóc ấy là công nhân (!).
Nghe xong câu chuyện, tôi nói với anh rằng gãy chân tức là bị thương, thì vào nhà thương là đúng rồi. Anh vặn lại tôi, nếu thế sao lại có nhà thương điên? Người điên có biết gì đâu mà người ta vẫn thương đó thôi. Cái thương ở đây nó đến từ tâm, không cần ai biết cũng không cần ai thấy. Nó như là một nguyên tắc mà một khi đã chọn ngành y có nghĩa là phải chọn luôn cả “bổn phận” đó cho trái tim mình. 
TÔ VĨNH HÀ
Tìm đâu ra cái Nhà thương bây giờ????????
Tự nhiên lại nghĩ đến đèn không hắt bóng...............