Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2023

Vua tiếng....Vịt

 Chương trình này, coi 1 lần là đã  kg muốn coi, he he. Giờ có vị này giỏi nói mới thấy đã. Hi hi

Bài của Hoàng Tuấn Công:

"Vãi" Tiếng Việt!

Sau khi đăng bài “Xe chỉ hay se chỉ…”, bác Nguyen Phuoc Hai có một bình luận kèm theo bức ảnh chụp màn hình chương trình “Vua tiếng Việt”. Theo đây, với câu hỏi chính tả “Trậm trễ” hay “chậm chễ”, câu trả lời của người chơi là “chậm chễ”. Đây cũng chính là đáp án của Vua tiếng Việt (VTV).
Tôi nghi là bức ảnh chế, nên xin bác link gốc của VTV. Và, trời đất quỉ thần tiên phật thánh chúa ơi! VTV hướng dẫn người ta viết là “chậm chễ” thật!
thể nói là những người làm VTV đã sai ngay từ câu hỏi. Trong tiếng Việt không có từ nào viết là “trậm trễ” hay “chậm chễ”, mà chỉ có từ CHẬM TRỄ.
“Chậm trễ” là từ ghép đẳng lập, trong đó:
- CHẬM nghĩa là muộn, trễ (so với yêu cầu hoặc thời hạn quy định), như “đến chậm nên tàu chạy mất rồi”, “đi chậm 30 phút”;
- TRỄ cũng có nghĩa là chậm, muộn. Ví dụ: “trễ hẹn đến cả tiếng đồng hồ”, “tàu lại về trễ rồi”,…
Như vậy, nghĩa đẳng lập của “chậm” và “trễ” rất rõ ràng. Thế nhưng VTV lại biến “trễ” thành “chễ” một cách rất vô nghĩa.
Cũng nên nói kĩ về từ TRỄ một chút.
TRỄ trong “chậm trễ” gốc Hán do chữ “trệ” 滯, nghĩa là bất động, dừng lại, không tiến hành nữa (tĩnh chỉ; đình chỉ - 靜止; 停止). Chữ “trệ” 滯 này chính là “trệ” trong “trì trệ”, “trệ khí”, “đình trệ”,…
Như vậy, những người làm đề cương, kịch bản, cố vấn của chương trình… đã không hiểu gì về chính cái từ mà mình đưa ra để thử thách người chơi. Điều này cho thấy ê kíp của chương trình (VTV. Mùa 2 - Tập 28) không chỉ chủ quan, kém, dốt, mà còn rất cẩu thả, huy động kiến thức theo trí nhớ. Theo đây, nếu nghiêm túc, người ta hoàn toàn có thể dùng từ điển để tra cứu, đặng bù lấp vào sự thiếu hụt về tiếng mẹ đẻ.
Tiếc thay, “Vua tiếng Việt” cũng có một cuốn từ điển tiếng Việt dày cộp, nhưng lại trao cho Nghệ sĩ hài Xuân Bắc. Vị này ôm khư khư trong lòng, không phải để tra cứu, mà là làm…đạo cụ!
Link:
Vua Tiếng Việt ( Mùa 2 - Tập 28 ) Ngày 14/4/2023 (Phút 14:33, phần chơi của Đỗ Văn Tăng).
P/S: Tuấn Công Thư Phòng từng có bài viết theo yêu cầu của bạn đọc, về sự thiếu chính xác của chương trình.